| Hotline hỗ trợ khách hàng: 0914977121
tin tức

Hiểm họa cháy nổ từ cơ sở hóa chất

Thứ bảy - 07/12/2019 03:25
Bất chấp pháp luật, an toàn tính mạng con người, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, sử dụng hóa chất (gọi tắt cơ sở hóa chất) trên địa bàn TPHCM vẫn vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Trong khi đó, nhiều giải pháp phòng ngừa của chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa phát huy được hiệu quả, khiến nguy cơ cháy nổ ở lĩnh vực này đang tăng cao.
Hiểm họa cháy nổ từ cơ sở hóa chất

Tràn lan vi phạm

Đêm 24-10, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Dragon Up (quận Bình Tân) xảy ra cháy ở khu vực xưởng sản xuất. Do bên trong công ty chứa nhiều hóa chất, dung môi để sản xuất giày dép nên đám cháy nhanh chóng lan rộng, phát ra nhiều tiếng nổ lớn.

Trước tính chất phức tạp của vụ cháy, Công an TPHCM phải điều động 15 xe chữa cháy cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của nhiều đơn vị để tham gia dập lửa.

Vụ cháy khiến hàng trăm người dân trong khu vực phải di chuyển ra xa, do không khí bị ô nhiễm bởi mùi hóa chất. Trước đó, ngày 28-8, tại Hà Nội xảy ra vụ cháy Công ty TNHH CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Vụ cháy gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, khiến hàng chục người bị ngộ độc với mùi hóa chất phải nhập viện cấp cứu. Chính quyền và ngành chức năng đã mất nhiều tháng để xử lý hậu quả, cải tạo môi trường. 

Hậu quả từ các vụ cháy cơ sở hóa chất đáng lo ngại là vậy, song hiện nay rất nhiều cơ sở hóa chất vẫn ngang nhiên vi phạm các quy định về an toàn cháy nổ. Có mặt tại khu vực chợ Kim Biên vào sáng 29-11, chúng tôi thấy các cơ sở kinh doanh hóa chất quanh chợ vi phạm rất nhiều quy định về PCCC.

Tại cơ sở hóa chất gắn bảng Công ty TNHH Đ.L.B (trên đường Kim Biên, bên hông chợ Kim Biên), chủ cơ sở đặt bàn thờ ông địa và thắp nhang ngay trong khu vực trưng bày các thùng nhựa chứa hóa chất. Ở cạnh bên, nhiều ổ cắm điện hư hỏng, dây chắp nối không được chủ cơ sở thay mới, hoặc di chuyển ra ngoài.

Nguy hiểm vậy, nhưng khi chúng tôi khuyến cáo thì chủ cơ sở - bà L.B. tỏ ra không quan tâm: “Trước giờ vẫn thắp nhang, cắm điện như thế có cháy nổ gì đâu”.

Tại một số cơ sở kinh doanh hóa chất khác quanh chợ, khách đến mua hàng vô tư hút thuốc, vứt tàn dưới những bao hóa chất (dạng bột, chứa trong giấy, bao ni lông), chủ cơ sở thấy nhưng không nhắc nhở, ngăn chặn. Rất nhiều cơ sở không trang bị bình chữa cháy xách tay, số ít có trang bị nhưng bình đã cũ và để ở nơi rất khó lấy, bị che đậy bởi hàng hóa.

Ở một số quận huyện khác, khi kiểm tra PCCC các cơ sở hóa chất, lực lượng chức năng đều phát hiện vi phạm. Tại huyện Hóc Môn, trong tháng 11-2019, công an huyện này đã kiểm tra và lập biên bản, xử phạt 7 cơ sở hóa chất vi phạm các quy định về PCCC.

Trong đó, nhiều cơ sở vi phạm các lỗi dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: hệ thống PCCC chưa đảm bảo; khoảng cách giữa các thùng chứa hóa chất với nguồn lửa, nguồn nhiệt ngắn hơn so với quy định PCCC; không bảo dưỡng phương tiện, thiết bị chữa cháy…

Ngày 21-11, kiểm tra kho chứa hàng hóa thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (quận 2), Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn (PC07 - Công an TPHCM) phát hiện nhiều lỗi vi phạm PCCC tại đây; trong đó có lỗi chất chứa hàng hóa đan xen, không phân loại các hàng hóa dễ phản ứng, gây nổ cháy. 

Đình chỉ hoạt động nếu tái phạm

Trước nguy cơ cháy nổ cơ sở hóa chất gia tăng, đại diện PC07 - Công an TPHCM, cho biết đơn vị đang phối hợp cùng Sở Công thương, Sở TN-MT, Tổng Công ty Điện lực TPHCM… thực hiện đợt tổng kiểm tra, xử lý các cơ sở hóa chất hoạt động vi phạm PCCC.

“Kết quả kiểm tra một số cơ sở hóa chất từ cuối tháng 11-2019 đến nay ghi nhận, có những trường hợp từng bị lực lượng chức năng lập biên bản, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục; tuy nhiên, đến nay vi phạm vẫn tồn tại. Với những trường hợp này, ngoài xử phạt hành chính, chúng tôi đã yêu cầu chủ cơ sở viết cam kết, ghi rõ thời gian khắc phục vi phạm. Nếu tiếp tục tái phạm, cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan có biện pháp mạnh, thậm chí đình chỉ hoạt động”, đại diện lãnh đạo PC07 cho hay. 

Theo PC07 - Công an TPHCM, ngoài kiểm tra, xử lý vi phạm, trong quá trình kiểm tra, đơn vị còn khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ cháy nổ đến từng cơ sở; đồng thời tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC, cứu nạn đến chủ cơ sở, người lao động.

“Là lực lượng nòng cốt, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, để công tác PCCC đạt hiệu quả cao, nhất là đối với cơ sở hóa chất, thiết nghĩ cả hệ thống chính trị ở cơ sở phải vào cuộc quyết liệt, làm tốt công tác tuyên truyền, bởi một khi người dân, chủ cơ sở chưa ý thức tốt, vi phạm vẫn tồn tại”, lãnh đạo PC07 đề nghị. 

Chủ tịch một phường ở quận Bình Tân nêu ý kiến: “Có một thực tế cần phải giải quyết là hầu hết các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực hóa chất có nguồn thu rất lớn, chủ cơ sở thường rất lơ là khi tham gia các đợt tuyên truyền PCCC; không ít trường hợp bất chấp, không ngại bị phạt. Dẫn đến thực tế này, trước hết là do hình thức tuyên truyền ở nhiều nơi chưa thực sự hiệu quả.

Mặt khác, việc xử lý vi phạm của ngành chức năng chưa nghiêm, còn tình trạng nể nang hoặc “du di”, phạt lỗi nhẹ, bỏ qua lỗi nặng. Nếu không khắc phục được các tồn tại trên, vi phạm về PCCC ở các cơ sở hóa chất, cũng như các lĩnh vực khác khó có thể kéo giảm”.

Theo Công an TPHCM, 11 tháng năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 311 vụ cháy, làm chết 8 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 128 vụ, giảm 15 người chết và giảm 65 người bị thương. Thiệt hại tài sản do cháy ước tính 10,7 tỷ đồng. Ngoài ra, từ đầu năm 2019 đến nay, TPHCM cũng xảy ra 196 vụ tai nạn, sự cố phải tổ chức cứu nạn, cứu hộ. Kết quả, lực lượng cảnh sát PCCC đã cứu được 112 người, tìm thấy 20 thi thể bàn giao địa phương xử lý. 

PHẠM MINH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây