| Hotline hỗ trợ khách hàng: 0914977121
tin tức

Tổng hợp 6 điểm mới Nghị định 105/2025/NĐ-CP về PCCC

Thứ bảy - 24/05/2025 08:19
Ngày 15/5/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cùng theo dõi điểm mới của Nghị định 105/2025/NĐ-CP về PCCC tại bài viết dưới đây.

1. Điều chỉnh danh mục các phụ lục ban hành kèm theo

Theo Điều 2 Nghị định 105/2025/NĐ-CP, các phụ lục về phòng cháy chữa cháy PCCC) ban hành kèm theo có sự thay đổi như sau:

- Không còn các danh mục tương ứng:

  • Phụ lục III: Danh mục cơ sở do cơ quan Công an quản lý.
  • Phụ lục IV: Danh mục cơ sở do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã quản lý.
  • Phụ lục VIII: Quy cách cờ hiệu, biển báo và băng sử dụng trong chữa cháy.

- Thay thế một số Danh mục:

  • Phụ lục III: Danh mục công trình, phương tiện giao thông thuộc diện thẩm định thiết kế về PCCC do cơ quan quản lý chuyên ngành thẩm định.
  • Phụ lục IV: Danh mục phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy.
  • Phụ lục V: Danh mục phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy thuộc diện cấp phép trước khi lưu thông trên thị trường.
 
Tổng hợp 6 điểm mới Nghị định 105/2025/NĐ-CP về PCCC Tổng hợp 6 điểm mới Nghị định 105/2025/NĐ-CP về PCCC (Ảnh minh họa)

2. Điều chỉnh về hồ sơ PCCC, cứu nạn, cứu hộ

2.1. Bổ sung một số giấy tờ

Hiện nay, hồ sơ về PCCC, cứu nạn cứu hộ không được quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung mà được hướng dẫn tại Thông tư 149/2020/TT-BCA.

Theo đó, khoản 1 Điều 4 Nghị định 105/2025/NĐ-CP đã bổ sung hồ sơ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ của cơ sở so với Thông tư 149 như sau:

- Phiếu thông tin của cơ sở;

- Nội quy PCCC, cứu nạn, cứu hộ;

- Sổ theo dõi phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ;

- Văn bản phân công người thực hiện nhiệm vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở (cơ sở không yêu cầu thành lập Đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ cơ sở).

- Bản vẽ hoàn công hệ thống, hạng mục liên quan đến PCCC với công trình thuộc diện phải thẩm định thiết kế về PCCC;

- Biên bản kiểm tra về PCCC của UBND cấp xã hoặc cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng trực tiếp quản lý cơ sở;

- Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, phục hồi hoạt động của người có thẩm quyền; văn bản kiến nghị về PCCC của UBND cấp xã hoặc cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng trực tiếp quản lý cơ sở (nếu có);

- Văn bản thể hiện việc phân công người thực hiện kiểm tra về PCCC tại cơ sở (nếu có).

2.2 Không yêu cầu phải có các giấy tờ

Bên cạnh việc bổ sung các giấy tờ thì tại Nghị định 105/2025/NĐ-CP cũng không còn quy định các loại giấy tờ tại Điều 4 Thông tư 149/2020TT-BCA:

- Quyết định ban hành nội quy, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về PCCC; quyết định phân công chức trách, nhiệm vụ trong thực hiện công tác PCCC của cơ sở (nếu có);

- Bản sao bản vẽ tổng mặt bằng thể hiện giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, bố trí công năng của các hạng mục, dây chuyền công nghệ trong cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);

- Báo cáo vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn (nếu có);

- Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC với cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC;

- Tài liệu ghi nhận kết quả kiểm tra điện trở nối đất chống sét, kiểm định hệ thống, thiết bị, đường ống chịu áp lực theo quy định (nếu có).

3. Hướng dẫn mới về việc thẩm định thiết kế về PCCC của cơ quan chuyen môn về xây dựng

Quy định cũ tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung chưa đề cập đến thì từ 01/7/2025, thẩm định thiết kế phòng cháy chữa cháy được hướng dẫn tại Điều 6 NGhị định 105/2025/NĐ-CP như sau:

3.1. Đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế về PCCC

- Công trình thuộc đối tượng phải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng

- Công trình thuộc phụ lục III gồm:

  • Nhà chung cư, nhà ở tập thể cao từ 07 tầng trở lên hoặc có tổng diện tích sàn từ 3.000 m2 trở lên.
  • Sân vận động có sức chứa của khán đài từ 5.000 chỗ ngồi trở lên; nhà thi đấu, nhà tập luyện các môn thể thao có khán đài từ 5.000 chỗ ngồi trở lên hoặc có tổng diện tích sàn từ 5.000 m2 trở lên.
  • Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc có từ 300 chỗ ngồi trở lên; trung tâm hội nghị, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, nhà triển lãm, nhà trưng bày cao từ 05 tầng trở lên hoặc có tổng diện tích sàn từ 3.000 m2 trở lên; công trình vui chơi, giải trí, công trình vũ trường, karaoke, các công trình văn hóa khác cao từ 4 tầng trở lên hoặc có tổng diện tích sàn từ 1.000 m2 trở lên.
  • Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng kinh doanh hàng hoá dễ cháy có tổng diện tích sàn từ 2.000 m2 trở lên; nhà hàng, cửa hàng ăn uống có tổng diện tích sàn từ 3.000 m2 trở lên.
  • Công trình cao từ 07 tầng trở lên hoặc có tổng diện tích sàn từ 3.000 m2 trở lên gồm: khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, cơ sở dịch vụ lưu trú khác; Bưu điện, bưu cục; Tòa nhà sử dụng làm trụ sở, nhà làm việc…

3.2. Nội dung thẩm định thiết kế về PCCC

Nội dung này được nêu tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 105/2025/NĐ-CP như sau:

- Khoảng cách PCCC giữa các công trình, hạng mục công trình trong cùng lô đất; từ công trình, hạng mục công trình đến công trình tiếp giáp hoặc ranh giới khu đất; từ công trình, hạng mục công trình đến các đối tượng tiếp giáp;

- Đường, bãi đỗ, vị trí, lối vào để tiếp cận và tổ chức các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

- Lối thoát nạn, đường thoát nạn, thang bộ thoát nạn, thang máy chữa cháy, lối ra khẩn cấp, lối ra mái, gian lánh nạn;

- Bậc chịu lửa phù hợp với quy mô, công năng của công trình; giải pháp phân chia khoang cháy; bố trí mặt bằng, công năng, hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ, các bộ phận, cấu kiện, hệ thống kỹ thuật trong công trình để hạn chế, ngăn chặn sự hình thành, phát triển và lan truyền của đám cháy;

- Giải pháp chống khói gồm: phương án thoát khói cho nhà, gian phòng; hệ thống cung cấp không khí bảo vệ chống khói cho giếng thang máy, buồng thang bộ, khoang đệm;

- Trường hợp thẩm định thiết kế điều chỉnh hoặc cải tạo thì nội dung xem xét, đánh giá chỉ trong phạm vi điều chỉnh, cải tạo.

 Nhiều quy định mới về PCCC nêu tại Nghị định 105/2025/NĐ-CP Nhiều quy định mới về PCCC nêu tại Nghị định 105/2025/NĐ-CP (Ảnh minh họa)

4. Thay đổi tần suất gửi báo cáo kết quả thực hiện PCCC của cơ sở

Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 105/2025/NĐ-CP, người đứng đầu cơ sở hoặc người được phân công thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kiểm tra định kỳ:

  • 06 tháng/lần đối với cơ sở thuộc Phụ lục II.
  • 01 năm/lần đối với các cơ sở còn lại thuộc Phụ lục I.
  • Thời hạn gửi báo cáo kết quả thực hiện công tác PCCC của cơ sở đến UBND cấp xã, Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng trực tiếp quản lý/cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu về PCCC và cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy trước 15/6 và trước 15/12 hằng năm.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về kiểm tra về PCCC, người đứng đầu cơ sở thuộc quản lý của công an phải kiểm tra an toàn về PCCC thường xuyên, định kỳ 06 tháng gửi báo cáo về cơ quan công an quản lý trực tiếp.

5. Bổ sung hướng dẫn về thành lập đội PCCC khi có nhiều cơ sở

Theo khoản 3, Điều 20 Nghị định 105/2025/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức quản lý, vận hành nhiều cơ sở được thành lập một đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành tại một cơ sở khi địa điểm bố trí xe chữa cháy của đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành, bảo đảm:

  • Bán kính phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đến vị trí xa nhất của các cơ sở không vượt quá 03 km;
  • Cơ sở còn lại phải thành lập Tổ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

6. Lộ trình trang bị, kết nối thiết bị truyền tin báo cháy

UBND thành phố trực thuộc TW có trách nhiệm đảm bảo kinh phí trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về PCCC, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy với nhà ở tại thành phố trực thuộc TW thuộc khu vực không đảm bảo hạ tầng giao thông/nguồn nước phục vụ chữa cháy, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt dộng PCCC theo lộ trình:

  • Chậm nhất đến 01/01/2026: Hoàn thành phân loại, lập, công bố danh sách khu vực, nhà ở không đảm bảo hạ tầng giao thông/nguồn nước phục vụ chữa cháy, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động PCCC trên địa bàn quản lý.
  • Chậm nhất 01/7/2027: UBND thành phố hoàn thành trang bị, kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống Cơ sở dữ liệu về PCCC, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy với nhà thuộc thành phố trực thuộc TW.
  • Chậm nhất 01/7/2027: Người đứng đầu cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải hoàn thành trang bị và kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống Cơ sở dữ liệu về PCCC, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.

 

Tác giả: Nguy?n Thùy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây