Tuyên truyền phải có kỹ năng, kiến thức chuyên môn
Đề cập đến công tác tuyên truyền PCCC ở trường học, đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an TPHCM nhắc lại sự cố vào ngày 9/8, các cô giáo tại Cơ sở mầm non tư thục Tuổi Thơ (huyện Duy Tiên - Hà Nam) đã đổ cồn vào mâm nhôm rồi châm lửa đốt để dạy 25 trẻ về kỹ năng phòng chống cháy nổ. Trong lúc cồn cháy thì gió từ cửa sổ thổi vào đã khiến ngọn lửa bùng lên làm 3 trẻ bị bỏng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, sau đó phải chuyển lên Bệnh viện Quân y 103 để tiếp tục điều trị.
Nhận định về vấn đề này, Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TPHCM, cho rằng, để bảo đảm an toàn, công tác tuyên truyền PCCC cần được thực hiện bởi cơ quan chức năng chuyên ngành mà ở đây là lực lượng PCCC ở các địa phương. Theo đó, để thực hiện công tác này, đòi hỏi báo cáo viên phải am hiểu kiến thức về PCCC và CNCH, hiểu và nắm bắt tâm lý học sinh để chủ động trong mọi tình huống phát sinh xảy ra.
Quán triệt tinh thần này, hoạt động tuyên truyền phòng chống cháy nổ tại các trường học ở TPHCM luôn có sự hướng dẫn và giám sát của các chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. Trong đó ở khối mầm non, các giáo viên và nhân viên được tập huấn các kiến thức căn bản và thực hành về PCCC và CNCH, trong đó chú trọng kỹ năng thoát hiểm cho học sinh và người lớn, kỹ năng dập tắt đám cháy khi có đám cháy xảy ra trong trường học, kỹ năng sử dụng gas an toàn, cách xử lý rò rỉ gas…
Trường THPT Bùi Thị Xuân – TPHCM mới đây vừa tổ chức chương trình tập huấn PCCC và CNCH cho hơn 2.000 học sinh và giáo viên, nhân viên nhà trường. Theo đó, các chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH TPHCM đã hướng dẫn nguyên tắc PCCC và CNCH; nguyên nhân gây cháy; cách kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở; các biện pháp phòng cháy; các bước xử lý khi xảy ra cháy nổ; kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, thực hành những kỹ năng PCCC căn bản, kỹ thuật buộc dây thoát hiểm, cách thoát hiểm an toàn...
Thầy Nguyễn Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân TPHCM nhận xét: Công tác diễn tập nhằm giúp cán bộ công nhân viên của nhà trường nói chung và lực lượng PCCC tại chỗ của trường nói riêng làm quen với phương án xử lý tình huống, khi có sự cố cháy nổ xảy ra thì xử lý kịp thời, có hiệu quả kéo giảm thiết hại về tài sản và đặc biệt là bảo đảm sức khỏe của học sinh. Trong đợt diễn tập vừa qua lực lượng PCCC của trường cũng như các em học sinh đã phối hợp rất tốt, cùng với công an PCCC Quận 1, lực lượng công an phường, dân phòng trên địa bàn thực hiện an toàn hiệu quả.
“Ngoài công tác tập huấn PCCC cũng như diễn tập hằng năm theo quy định pháp luật về PCCC, nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền công tác PCCC qua buổi họp, buổi sinh hoạt, cung cấp thông tin mới về tình hình cháy nổ, giúp cho CBCNV nhà trường nhận thấy được sự quan trọng trong công tác phòng ngừa, không để xảy ra nguy cơ cháy ở trường lẫn ở gia đình”, thầy Dũng cho biết.
Giáo dục gắn với nâng cấp cơ sở vật chất
Ký túc xá sinh viên là nơi tiềm ẩn mất an toàn về cháy nổ. Thời gian gần đây, đã có nhiều vụ cháy nổ xảy ra ở ký túc xá, gây hoang mang cho sinh viên.
Vì thế, nhiều trường học đã tăng cường công tác tập huấn kỹ năng PCCC ở các ký túc xá. Mới đây, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Quận 5 phối hợp với Trường ĐH Y Dược TPHCM tổ chức tuyên truyền và thực hành kỹ năng PCCC và CNCH cho gần 250 cán bộ quản lý, sinh viên tại ký túc xá của trường (số 540 Ngô Gia Tự, phường 9, Quận 5). Nội dung tập huấn gồm các nguyên nhân gây cháy và giải pháp đề phòng; việc chấp hành các nội quy PCCC; tiêu lệnh chữa cháy; kỹ năng thoát nạn khi có cháy nổ...
Theo ông Nguyễn Hữu Thái (Giám đốc ký túc xá), trong năm 2017, ký túc xá Trường ĐH Y Dược TPHCM đã từng xảy ra cháy. Mặc dù lửa được dập tắt kịp thời, nhưng đây cũng là bài học lớn của trường. Vì vậy, ban quản lý mong muốn mỗi cán bộ quản lý và sinh viên là một “chiến sĩ PCCC” bằng các việc làm thiết thực, nâng cao ý thức phòng ngừa hỏa hoạn và đủ năng lực để xử lý nếu có sự cố xảy ra.
Song song với công tác tuyên truyền giáo dục, việc nâng cấp cơ sở vật chất các đơn vị trường học, ký túc xá sinh viên là hết sức cần thiết. Vụ cháy khu ký túc xá Trường CĐ Kỹ Thuật Cao Thắng TPHCM hồi tháng 7 là hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn PCCC tại các trường học và khu ký túc xá, liên quan đến cơ sở vật chất. Tòa nhà được xây dựng từ năm 1960, đến năm 1977 thì thành phố giao cho trường tiếp quản. Từ đó đến nay, nơi này trở thành ký túc xá và chỗ ở cho cán bộ giảng viên trong trường. Tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, thiết kế bất tiện khi lối cầu thang bộ duy nhất quá hẹp, không có ánh sáng.
Ông Nguyễn Công Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: “Tòa nhà này đã cũ và xuống cấp, nên trường vẫn thường xuyên kiểm tra các điều kiện về an toàn nhằm hạn chế tối đa những nguy cơ về cháy nổ. Trước đây, nhà trường cũng đã làm đề án xin UBND TPHCM cũng như các ngành chức năng được xây dựng cơ sở 2, để phục vụ phát triển đào tạo và giải quyết vấn đề chỗ cho sinh viên, cán bộ giảng viên. Nhà trường cũng mong muốn di dời ký túc xá đến khu mới nhằm bảo đảm an toàn cho sinh viên và các giáo viên. Nhưng hiện dự án vẫn đang đợi UBND TPHCM, và các ngành chức năng có thẩm quyền phê duyệt. quay phim chụp hình sự kiện
Sau vụ cháy vừa qua, trong lúc chờ di dời, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã tiến hành rà soát, kiểm tra trang bị nâng cấp toàn bộ hệ thống PCCC nhằm bảo đảm an toàn PCCC cho sinh viên cũng như cán bộ giáo viên sống trong KTX này.
Tuấn Thụy
Những tin mới hơn